CHÀO XUÂN 2015 Ất Mùi ( Chủ Đề - Xuân Đất Khách)

Xuân Đất Khách      Yến Phương đã TẶNG

Ai có về bên kia đất nước


Thở giùm tôi hơi ấm quê hương


Tôi, con én lạc mùa xuân trước


Vẫn khóc âm thầm nơi viễn phương



Vẫn đến xuân về trên đất khách


Nghe buồn nhỏ giọt xuống vai tôi

 

Đèn ai thắp sáng bên kia phố


Nhớ quá, chao ôi, tiếng mẹ cười

Bếp lửa than hồng sao chẳng ấm


Tôi thèm một chiếc bánh chưng xanh


Thèm nghe ai nói lời tha thiết


Một lời chúc tụng trước sang năm

Ai có về bên kia đất nước


Chở giùm tôi nỗi nhớ qua sông


Hỡi em cô gái mùa xuân trước


Còn đứng hong khô áo lụa hồng

Lòng tôi cũng bạc theo màu áo


Chiếc pháo giao thừa cũng tả tơi


Chén rượu mừng xuân tôi chẳng uống


Chỉ uống đêm nay những ngậm ngùi

Trần Trung Đạo

 

Chợ Tết - Nét đẹp văn hóa làng quê
 

Mỗi dịp Tết đến, trong mỗi người luôn có sự thôi thúc mãnh liệt tìm về với những giá trị văn hoá cội nguồn ở các làng quê; trong đó được cảm nhận những hương vị quen thuộc, được hòa vào không khí ấm áp của phiên chợ tất niên và chợ Viềng xuân “năm có một phiên” đầy chộn rộn, náo nức, cảm nhận âm hưởng ngọt ngào, trong trẻo của mùa xuân. 

“Chợ Tết” xưa…

Đi chợ tất niên ở các làng quê, trong không khí náo nức, đầy sắc màu văn hóa của các sản phẩm phục vụ Tết và việc bán, mua, trong lòng mỗi người lại mường tượng đến phiên chợ cuối năm trong bài thơ “Chợ Tết” của nhà thơ Đoàn Văn Cừ. Đầu thế kỷ 20, bằng bút pháp tả thực, nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã lưu lại trong văn chương một phiên “Chợ Tết” quê rất thật, rất sinh động, hóm hỉnh, với những cảnh đi chợ, họp chợ, rồi chợ tan, gợi được cả linh hồn của làng mạc, quê hương. Bức tranh thơ “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ rực rỡ, vô cùng sống động:

“Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh…
... Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết
Con gà sống mào thâm như cục tiết
Một người mua cầm cẳng dốc lên xem”…

Những câu thơ ăm ắp sắc màu và hình ảnh đã gợi ra không khí tưng bừng, phấn khởi của người đi chợ Tết và sự trù phú, phồn thịnh, tràn trề sức sống của cảnh vật thôn quê. Người đọc bị cuốn hút vào những hình ảnh rực rỡ, tinh khôi, thuần khiết trong buổi sáng trước ngày đầu năm mới. Sức xuân và không khí Tết cứ lan tràn, lung linh trong từng câu chữ:

“Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ
Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán
Một thầy khoá gò lưng trên cánh phản
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân
Cụ đồ nho đứng lại vuốt râu cằm
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ”…

Bằng đôi nét phác họa, nhà thơ đã gợi tả những nét sinh hoạt văn hoá tinh thần ngày xuân ở các miền quê xưa, đó là cái thú thưởng tranh, chơi chữ…  Cái dáng trầm ngâm “vuốt râu cằm”, “miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ" của cụ đồ cho ta liên tưởng tới hình ảnh quen thuộc của “Ông đồ” trong thơ Vũ Đình Liên, từ đó mới thấy được những giá trị văn hóa lành mạnh ẩn chứa trong cái Tết cổ truyền của dân tộc: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu, giấy đỏ/ Bên phố đông người qua/ Bao nhiêu người thuê viết/ Tấm tắc ngợi khen tài/ Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay...”. Cả một bài thơ vài chục câu, câu nào cũng sắc sảo, rộn rã sắc màu như một “bảo tàng ký ức” về hương vị Tết xưa, khiến người đọc thơ không khỏi xao xuyến, bâng khuâng với khung cảnh chợ phiên những ngày giáp Tết. Qua gần trăm năm, “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ vẫn là nguồn tư liệu sống động về hình ảnh phiên chợ quê một thời của dân tộc. Mỗi lần đọc “Chợ Tết” là một lần được sống lại với không khí Tết của cha ông ngày nào, thêm yêu, thêm tự hào về những nét văn hoá truyền thống của quê hương, của dân tộc.

... và Chợ Xuân nay

Trưng bày và mua bán đồ cổ - nét độc đáo của chợ Viềng xuân (Ảnh chụp tại chợ Viềng xuân Nam Trực 2013).
Trưng bày và mua bán đồ cổ - nét độc đáo của chợ Viềng xuân (Ảnh chụp tại chợ Viềng xuân Nam Trực 2013).

Trong ký ức của người dân Nam Định, chợ Viềng xuân là một nét đẹp văn hóa của quê hương. Trước Cách mạng Tháng Tám, cùng vào thời điểm ra đời bài thơ “Chợ Tết”, nhà thơ Đoàn Văn Cừ cũng đã “tức cảnh” một phiên chợ Viềng quê ông như một bức tranh quê đằm thắm.

“Đầu năm chợ họp mé đồng khoai
Nô nức về chơi đủ mọi người
Trai tỉnh ô đen, quần lĩnh tía
Gái quê váy đũi, áo nâu sồi”.

Chợ Tết hay chợ Viềng xuân từ xưa đến nay đều có chung một điểm là nhiều sắc màu, âm thanh tươi tắn, nhộn nhịp, phản ánh nhiều nét văn hóa, phong tục truyền thống và đời sống vật chất của làng quê. Chỉ khác là chợ Tết có hương vị rất “đặc trưng” với mùi của hương trầm, của lá dong giềng, cây mùi già và đủ loại hoa, quả ngày Tết. Để có những món hàng bán trong phiên chợ Tết, những người phụ nữ tảo tần thôn quê dậy từ tờ mờ sáng, sắp xếp gánh hàng đủ các thứ “cây nhà, lá vườn” mang ra chợ bán, tất cả chỉ để thu vén cho gia đình một cái Tết sung túc, đủ đầy. Đã gần hai phần ba thế kỷ kể từ khi bài thơ của Đoàn Văn Cừ ra đời, chợ Viềng xuân vẫn giữ vẻ nguyên sơ, chân chất đầy hơi hướng “cổ tích” với các gian hàng đồ cổ, đồ gia dụng tự chế tác xuất phát từ các làng nghề của trấn Sơn Nam Hạ xưa. Từ những chiếc lư đồng, mâm đồng, nồi đồng đến những bộ tách chén, bát đĩa, ngai, ỷ… Năm nào, điểm bán đồ cổ cũng trở thành nơi thu hút đông khách nhất chợ. Mặt khác, yếu tố tạo nên nét bản sắc văn hóa độc đáo của chợ Viềng xuân chính là ý nghĩa của một phiên chợ cầu may: “mua lấy may, bán lấy may”. Phiên chợ Viềng chỉ mở mỗi năm duy nhất một phiên vào ngày mồng 8 tháng Giêng. Tờ mờ sáng, du khách từ khắp các vùng quê trên cả nước đã đổ về các ngả đường đến hai chợ Viềng Vụ Bản (có người gọi là Viềng Phủ vì gắn với quần thể Phủ Dầy) và chợ Viềng Nam Trực (hay còn gọi là Viềng chùa vì gắn với di tích và lễ hội chùa Đại Bi). Cả chợ Viềng Vụ Bản và chợ Viềng Nam Trực đều nằm giữa quần thể dày đặc các di tích lịch sử, văn hóa. Khách tới chợ Viềng Vụ Bản nằm trên địa bàn xã Kim Thái có thể đến tham quan quần thể di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy với 19 đền, phủ, chùa, lăng gắn liền với truyền thuyết về Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Khách tới chợ Viềng Nam Trực nằm trên địa bàn Thị trấn Nam Giang có thể đến tham quan các di tích lịch sử, văn hóa như chùa Đại Bi - công trình kiến trúc cổ từ thời Lý thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh có gác chuông cổ kính với những nét chạm trổ mềm mại, tinh xảo, đền Giáp Tư thờ công chúa Ngọc Hoa. Hai di tích trên đều đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH, TT và DL) xếp hạng. Gần đó có đền thờ “Lục vị Thánh sư” cách đây hơn 600 năm đã sáng lập ra làng rèn Vân Chàng. Các quần thể di tích lịch sử nối tiếp, đan xen nhau tại hai khu vực chợ Viềng, cùng chợ Viềng tạo ra một quần thể du lịch hấp dẫn thu hút du khách thập phương trong những ngày đầu xuân. Tại chợ Viềng, nhiều sản phẩm được mang đến từ các làng nghề truyền thống của các địa phương như sản phẩm cơ khí, đồ nhôm của các làng rèn Vân Chàng, Đồng Côi (Nam Trực), Kiên Lao (Xuân Trường), Quang Trung, hàng mây tre đan Vĩnh Hào (Vụ Bản), hàng sơn mài Cát Đằng (Ý Yên), làng hoa, cây cảnh Vị Khê (Nam Trực)… Trong nền kinh tế thị trường, chợ Viềng giờ đây không chỉ có các sản phẩm TTCN được sản xuất tại địa phương mà đã có đủ loại hàng hóa từ nhiều miền quê, địa phương Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình… với hàng gốm sứ, cây giống, đồ gỗ, đồ thêu, đan… Và mỗi năm phiên chợ mở ra thì không chỉ có khu đồ cổ mà các khu khác của chợ đều đông nghịt người. Cùng với các mặt hàng đồ cổ, hoa, cây cảnh, các mặt hàng cơ khí truyền thống cũng góp phần làm rõ hơn nét riêng biệt của chợ Viềng xuân, thể hiện sự khéo tay, tài hoa của người thợ các làng nghề và sự phát triển của ngành TTCN địa phương. Chợ Viềng cũng chính là điểm đầu tiên đầy ý nghĩa mà các doanh nghiệp chọn để tiếp thị trong năm mới.

Cả phiên chợ Tết và chợ Viềng xuân xưa cũng như nay đều mang những sắc màu, âm thanh tươi tắn, nhộn nhịp, phản ánh cô đọng những nét văn hóa bản sắc của địa phương. Và những phiên chợ này không chỉ có âm thanh mua bán mà luôn đầy ắp những cung bậc bổng trầm của cuộc sống và ẩn sâu trong nó là tình thân thiện và sự lạc quan với niềm hy vọng về một năm mới tốt lành. Những sản vật được con người “một nắng, hai sương” làm ra, tích lũy, nâng niu dành cho phiên chợ Tết đã làm nên những giá trị văn hóa tinh thần sâu đậm. Từ những phiên chợ này, nhiều giá trị văn hóa, nhiều tình cảm quê hương đã bám rễ sâu trong tâm hồn mỗi con người để từ đó hướng về cội nguồn với sự tri ân, biết ơn các thế hệ đi trước, để giữ gìn phong tục tốt đẹp mỗi dịp Tết đến, Xuân về! Dẫu cuộc sống hiện tại có nhiều đổi thay làm mới dần những nếp sinh hoạt nơi làng quê, nhưng những phiên chợ Tết, chợ Xuân vẫn rất “xưa” trong lòng mỗi người. Xuân đến lại thèm được hoà mình vào không khí ồn ào, sôi động bán, mua của những người dân quê chân chất, mộc mạc, để tìm lại tuổi thơ và để được cảm nhận hương sắc của mùa xuân./.

Bài và ảnh: Minh Thuận