Cô Gái Thành Nam và Khúc Hát Chầu Văn - Giọng hát Nghệ Sĩ Kim Liên ( Những hình ảnh cổ rất giá trị của Nam Định xưa )
50 NĂM ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN |
Kỷ niệm 119 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm mở đường Trường Sơn | ||
Nghệ sĩ ưu tú Kim Liên 3 lần gặp Bác | ||
Thứ ba, 19/05/2009, 01:14 (GMT+7) | ||
Giữa tháng 5 này, chúng tôi về thành phố Nam Định thăm NSƯT Kim Liên – người được coi là vinh dự nhất, hạnh phúc nhất trong giới nghệ sĩ Thành Nam: ba lần được gặp Bác Hồ và được ăn cơm cùng Bác. Những lần gặp Bác, cách nay đã hơn 40 năm nhưng nhắc lại, NSƯT Kim Liên vẫn bồi hồi, xúc động.
Lần đầu tiên, chị gặp Bác năm 1963 ngay trên sân khấu ở thành phố Nam Định. Hôm ấy, Bác xem đoàn chèo của tỉnh biểu diễn vở “Chị Tâm Bến Cốc” của tác giả Tào Mạt. Chị đóng vai cô Tâm là vai chính, được Bác lên sân khấu tặng một bó hoa tươi. Bác nói: “Cô Tâm múa dẻo, hát hay. Cháu cố gắng học tập, làm được như cô Tâm nhé!”. Chị xúc động ứa nước mắt, chỉ biết nói: “Thưa Bác, vâng ạ!”. Đến tháng 12-1968, đoàn chèo Nam Định lên Hà Nội biểu diễn vở “Trần Quốc Toản ra quân”. Anh chị em đang nghỉ ở nhà khách thì anh Vũ Kỳ đến cho biết sẽ đón bốn nữ diễn viên tiêu biểu vào thăm Bác. Thế là chị cùng Thúy Nga, Thúy Ngân, Kim Chung được vào gặp Bác. Khi đến ngôi nhà cách nhà sàn của Bác một đoạn, anh Vũ Kỳ bảo ngồi chờ Bác. Vừa nói dứt lời, đã thấy Bác chống ba-toong từ phía sau bước tới. Không ai bảo ai, tất cả chạy đến ôm lấy Bác, khóc nức nở. Bác nhẹ nhàng gỡ tay chúng tôi ra rồi ôn tồn nói: – Không được khóc nữa. Gặp Bác, các cháu phải vui lên chứ. Ngồi xuống đây, hát cho Bác nghe… Sau khi nghe nghệ sĩ Kim Chung ngâm bài thơ có câu “Ai gọi tên xưa: dãy núi Giăng Màn?” Bác hỏi chúng tôi: – Các cháu có biết dãy núi Giăng Màn là dãy núi nào không? Chúng tôi đồng thanh đáp: – Thưa Bác không ạ! – Đó là tên gọi của dãy núi Trường Sơn. Xưa kia dân ta nhìn các đỉnh núi nối tiếp nhau như những chiếc màn giăng giăng nhấp nhô nên gọi như vậy. Ít lâu sau thì đến Tết Kỷ Dậu 1969. Chị vinh dự được Bác chọn ngâm bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác. Đó là một niềm vui, chị nhớ suốt đời. Trước Tết năm ấy, cấp trên yêu cầu các nghệ sĩ gửi băng ngâm bài thơ chúc Tết của Bác để Bác chọn phát trên Đài tiếng nói Việt Nam. Chị được chọn ngâm ngay sau khi giao thừa Bác chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước. Chị Trần Thị Tuyết ngâm buổi trưa và chị Linh Nhâm ngâm buổi tối. Sau đó, chị được cử theo đoàn các nghệ sĩ Việt Nam sang Pháp biểu diễn. (Đoàn gồm 78 người). Khi về, chị được bình chọn là 1 trong 6 nghệ sĩ xuất sắc được Bác Hồ gắn Huy hiệu của Người. Hôm ấy là ngày 16-7-1969. Bác đã yếu nhiều. Khi Bác đi ra phải có hai người dìu hai bên, nên vừa thấy Bác mọi người đều khóc. Lúc chia tay Bác để hôm sau về Nam Định thì anh Vũ Kỳ đưa chị một mảnh giấy, ghi vắn tắt: “Em đã mua vé về Nam Định chưa? Đúng 10 giờ sáng mai em đến cổng Đỏ, anh đón”. Chị mừng thầm, đoán chắc là anh Kỳ cho đi nhờ xe về Nam Định. Bởi vì, ngày ấy phương tiện đi lại rất khó khăn. Đúng 10 giờ chị đến cổng Đỏ (phía vườn Bách Thảo) thì có người cảnh vệ dẫn vào. Tới nơi, anh Kỳ thông báo được Bác mời ăn cơm trưa. Chị vui quá, nhảy cẫng lên như trẻ nhỏ. Từ nhà ăn, chị theo Bác và anh Vũ Kỳ đến thăm nhà sàn – nơi Bác nghỉ và làm việc. Khi tới bàn làm việc, Bác dừng lại. Chị thấy trên mặt bàn có những tập sách, báo và một quả cân nhỏ, một cái thước gỗ ngắn. Bác cầm cái thước lên, nói với chị: – Khi sang châu Âu, tình cờ Bác nhặt được thanh gỗ, Bác sửa thành chiếc thước này đấy. Bác tặng cháu nhé. Cảm ơn Bác, cầm chiếc thước trên tay, chị chăm chú nhìn dòng chữ SNK do chính tay Bác viết. Biết chị đang nhẩm đọc, Bác giải thích: – Đó là Bác viết tắt ba chữ “Suy nghĩ kỹ” đấy! Từ ngày ấy, khi dự định làm một việc gì quan trọng chị đều nhớ đến dòng chữ của Bác ghi trên thước, như nhớ một lời dạy, một phương châm sống. Nhờ vậy, chị luôn có cuộc sống vui, thanh thản và giữ mãi chiếc thước này trong tủ kính. Đó là kỷ vật quý giá của đời chị. Phong Thắng - Đào Văn Sử |