THƯ PHÁP THIỀN [NHẬT BẢN]
LỊCH SỬ
Thật khó để nói về lịch sử thư pháp Thiền; dĩ nhiên, nó liên quan với lịch sử Phật giáo Thiền nhưng không phải chỉ riêng như vậy. Có thể đồng ý với nhau rằng có thư pháp ở Trung Hoa trước khi có Thiền tông - chẳng hạn, thư pháp chữ thảo của thánh thi Vương Hy Chi (Wang Xizhi), sống vào khoảng 200 trước khi Bồ Đề Đạt Ma từ Tây Trúc sang. Ngay cả sau khi Phật giáo Thiền được truyền bá ở Trung Hoa, Triều Tiên và Nhật Bản, không phải hoàn toàn các nhà thư pháp thiền đều là người của Thiền tông.
Không có mẫu mực nào còn lưu lại từ nét vẽ Sơ tổ Thiền tông Trung Hoa (một trong số các vị tổ ấy, ngài Huệ Năng, là không biết chữ). Hai nhân vật kỳ đặc của Trung Hoa vào thế kỷ thứ 8 thường được xem là biểu tượng của thư pháp Thiền - “Zhang say” và “Sư cuồng Huai”. Sau khi nốc vào một lượng lớn rượu, Zhang tấp những chữ “cuồng thảo” lên bất kỳ chỗ nào ngay tầm tay - tường, thân cây, nồi, áo quần. Có khi anh ta nhúng đầu tóc mình vào mực rồi viết bằng đầu tóc. Cũng tương tự như vị đệ tử điên của ông ta, sư Huai, nổi tiếng với việc dùng lá chuối thay cho giấy mà sư mua không nổi. Tuy nhiên,sư lại kiếm tiền để uống rượu, và viết vào những lúc say khướt.
Thực tế các hành vi buồn cười ấy lại không được tán thành bởi phần lớn các vị trú trì của Thiền tông. Những biểu hiện thiếu nghiêm túc đều không được chấp nhận: Hầu hết các tác phẩm do các tăng sĩ Trung Hoa viết từ thế kỷ thứ 10 đến thứ 13 đều tiêu biểu cho sự nghiêm túc sâu lắng, sinh động, nhưng tao nhã và kín đáo. Các nhà thư pháp Trung Hoa có uy tín trong thơì kỳ này gồm những Nho sĩ như Tô Đông Pha và Huang Tingjian (Ko Teiken; 1045-1105); và thiền sư Yuanwu Keqin; Engo Kokugon; 1063-1135); Wujun Shifan (Bushan Shiban; 1177 - 1249), Xutang Zhiyu (kido Chigu; 1185-1296); Zhang Jizhi (Co Sokushi; 1186 - 1286); Lanqi Daolong (Rankei Doryu; 1203 - 1268); Wuxue Ziyuan (Mugaku Sogen; 1226 - 1286); Yishan Yining (Issan Ichinei: 1247 - 1371); Gulin Quingmao (Kurin Seimu; 1261 - 1323), và Liaoan Qingyu (Ryoan Seiyoku; 1288 - 1363).
Thư pháp của Eisai (1141 - 1215) và Đạo Nguyên Dogen (1200 - 1253), hai Tăng sĩ Nhật Bản khai sáng tông Lâm Tế và Tào Động nơi quê hương mình,đã có những nhét tương đồng với các bậc thầy Trung Hoa với phong cách nghiêm túc, tự chủ, và sinh động. Daito Kokushi, vị khai sơn chùa Daitokuji (Đại Đức Tự) ở Kyoto, có lẽ là người đầu tiên hoa quyện hai phong cách thư pháp Trung Hoa và Nhật Bản. Chùa Daitokuji đã tạo nên một lớp hậu duệ gồm các nhà thư pháp nổi tiếng, đến mức có thể gọi là “một trường phái” thư pháp Thiền. Trường phái thư pháp chùa Daitokuji là lâu đời nhất và đông đảo nhất. Các nhà thư pháp Nhật Bản khác được kể đến trog thời kỳ này là Muso (1276 - 1351); Kokan (1278 - 1346), Ikkyu (1349 - 1478).
Vào nửa thời gian đầu thời kỳ Edo, các nhà thư pháp sau đặc biệt nổi tiếng: Kogetsu (1571-1643); Takuan (1573-1645); và Seigan (1588-1661); tất cả các vị ấy đều từ chùa Daitokuji; Fugai (1568-1650); Shinetsu (1642-1696) và Manzan (1636-1715) từ tông Tào Động; và Bankei (Bàn Khuê Vĩnh Trác; 1622-1693); và Munnan (d-1676) thuộc tông Lâm Tế.
Thiền tự an trú mình giữa hai cực của khái niệm “Vô 無” của Munnan; và “Hữu 有” của Nyoten. Cùng toàn thể bài kệ là dòng chữ 有如浮雲 Hữu như phù vân.
Theo sau sự sáng lập tông Hoàng Bá (Obaku) thuộc Thiền tông ở chùa Mampukuji năm 1694, một dạng thư pháp mới của Trung Hoa được truyền vào Nhật Bản. Thư pháp của Hoàng Bá đậm hơn, mạnh hơn, thảo hơn so với thư pháp thế kỷ trước. Không như tông Tào Động và tông Lâm Tế vốn nhanh chóng hòa nhập vào văn hóa Nhật Bản, tông Hoàng Bá vẫn giữ khoảng cách khuynh hướng Trung Hoa trong kiến trúc thiền viện, lối tu tập, thực phẩm, và thư pháp. Trong số những nhà thư pháp trường phái Hoàng Bá là Ẩn Nguyên (Ingen), trụ trì chùa Vạn Phúc tự (Mampukuji).
Thế kỷ thứ 18 và 19 đánh dấu thời kỳ hoàng kim của thư pháp thiền Nhật Bản. Bạch Ẩn (Hakuin 1685-1768); Jiun (1717-1804); Torei (1721-1792); Sengai (1750-1837); Ryokan (1758-1831); Nanzan (1756-1839) là những nhân vật sinh động trong thời kỳ nầy, cho ra đời một số lượng lớn các tuyệt tác.
Trong thề kỷ nầy, các thiền sư như Nantembo (1839-1925) và Gempo (1865-1961) đã thự hiện thư pháp không thua kém gì các bậc thầy đời trước. Thư pháp ngày nay, Rohis nhiệt tâm theo đuổi và trú trì các thiền viện lớn thuộc các tông phái đều phải dành nhiều thời gian mỗi tuần để thể hiện những tác phẩm thư pháp thích hợp để đáp ứng yêu cầu của Phật tử, như món quà dành tặng cho người thân và môn đệ, hoặc để trưng bày trong những dịp lễ. Chắc chắn một số các thư pháp dạng nầy sẽ được đánh giá rất cao bỡi các thế hệ sau khi họ biết rằng đó là tác phẩm của các nhà thư pháp thiền lớn trong thế kỷ trước.
John Stevens
Thích Nhuận Châu dịch
Trích từ THƯ PHÁP LINH TỰ ĐÔNG PHƯƠNG