Hình Tượng & Ý NghĩaTháp Cửu phẩm Liên Đài
THÁP CỬU PHẨM LIÊN HOA – NÉT ĐỘC ĐÁO TRONG KIẾN TRÚC PHẬT GIÁO VIỆT NAMLượt xem : 1134Cửu phẩm liên hoa - tòa tháp hoa sen 9 tầng (cối kinh) là công trình Phật giáo độc đáo chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Hiện ở nước ta chỉ còn 3 tòa tháp Cửu phẩm liên hoa bằng gỗ có thể quay được, mang giá trị nghệ thuật tạo hình cao và ý nghĩa tổng hoà của nhiều dòng tư tưởng Tông giáo. Các tòa tháp này được dựng vào thế kỷ 17,18, tại ba ngôi chùa là: chùa Bút Tháp (Bắc Ninh); chùa Giám và chùa Động Ngọ (Hải Dương).
Tòa Cửu phẩm liên hoa ở chùa Bút Tháp
Từ TP. Bắc Ninh, theo quốc lộ 38 khoảng 13km về phía nam đến thị trấn Hồ, rẽ phải đi tiếp theo tỉnh lộ 282 khoảng 6km nữa, du khách sẽ tới chùa Bút Tháp nằm bên bờ sông Đuống (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Chùa có tên chữ là "Ninh Phúc Thiền Tự", được khởi dựng vào khoảng thế kỷ 17, theo kiểu "Nội công ngoại quốc", gồm: Tam Quan, gác chuông, Tiền Ðường, Thiêu Hương, Thượng Điện, nhà Tích Thiện Am, nhà Trung, phủ thờ, hậu đường. Trong kiến trúc tổng thể, đáng chú ý là nhà Tích Thiện Am chồng diêm 3 tầng 12 mái. Bên trong nhà đặt tháp Cửu phẩm liên hoa được dựng vào năm 1739, bằng gỗ, màu cánh sen, cao 7m với 8 mặt cắt đều nhau thể hiện 8 phương của nhà Phật. Tháp bao gồm 9 tầng như 9 đài sen tượng trưng cho 9 cấp tu hành chính quả của Phật giáo và được chạm những bức phù điêu liên quan đến nhà Phật, tạo nên một bức họa mang giá trị nghệ thuật tạo hình đặc sắc. Điểm đặc biệt của tòa tháp này là nó có thể quay. Tương truyền rằng, cứ mỗi vòng quay thì lời tụng kinh sẽ được nhân lên thành 3.542.400 lần, để người niệm Phật mau đạt tới chính quả.
Tòa Cửu phẩm liên hoa ở chùa Giám
Nằm cách chùa Bút Tháp khoảng 16km về phía đông nam là chùa Giám (Nghiêm Quang Tự) thuộc xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Năm 1336, chùa được khởi dựng trên nền đất trống nằm ở phía đông huyện Cẩm Giàng, thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh. Năm 1790, chùa được di chuyển đến vị trí hiện nay, cách vị trí cũ gần 7km về phía tây. Quan sát quần thể kiến trúc chùa Giám, từ Tam quan, Chính Điện, Tiền Đường, Thượng Điện, nhà khách, Nghè Giám, Hậu Đường đến nhà Phẩm…; du khách sẽ thấy toát lên vẻ đẹp cổ kính, ẩn chứa trong đó nhiều tầng văn hóa giá trị. Trong đó, nhà Phẩm là công trình nổi bật nhất với chiều cao trên 10m gồm 3 tầng mái lợp ngói vẩy cá, góc mái uốn cong hình đuôi rồng. Bên trong nhà có tòa tháp Cửu phẩm liên hoa được chế tạo vào cuối thế kỷ 17, bằng gỗ, màu cánh sen, cao trên 5m với 6 mặt cắt đều nhau. Tháp có 9 tầng, mỗi tầng gắn 18 pho tượng Bồ Tát bằng đồng ngự trên đài sen có chạm khắc những họa tiết sinh động.
Tòa Cửu phẩm liên hoa ở chùa Động Ngọ
Nằm cách chùa Giám khoảng 32km về phía đông nam là chùa Động Ngọ (chùa Cửu Phẩm) thuộc thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Căn cứ vào văn bia ở chùa Động Ngọ, chùa có tên chữ là “Linh Ứng Tự”, được dựng vào thời nhà Đinh theo sắc chỉ vua ban năm 971. Sang thế kỷ 17, chùa được mở rộng và phát triển thành trung tâm Phật giáo lớn của dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ở nước ta. Quần thể kiến trúc chùa hiện nay bao gồm: Tam quan, Chùa chính, Tiền Đường, Thượng Điện, nhà Phẩm, nhà Tổ, nhà Tăng, nhà khách, nhà thờ Mẫu..., trong đó, nhà Phẩm được thiết kế theo kiến trúc đình, đền truyền thống với 2 tầng, 8 mái. Trong nhà Phẩm có tòa tháp Cửu phẩm liên hoa được dựng vào năm 1692, bằng gỗ, màu đỏ tươi, cao hơn 5m, được thiết kế theo kiểu "thượng thu hạ thách" (tức là càng lên cao càng nhỏ lại để tạo độ vững chãi). Tháp có 6 mặt cắt đều nhau, bao gồm 9 tầng giống như 9 bông hoa sen xếp chồng lên nhau. Ở mặt cắt mỗi tầng gắn 3 pho tượng Phật bằng gỗ thếp vàng ngự trên đài sen; ở giữa là tượng Phật A Di Đà, hai bên là tượng Quan Âm Bồ Tát và Thế Chí Bồ Tát hoặc tượng Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát.
Cửu phẩm liên hoa không chỉ mang thông điệp từ bi, vị tha, bác ái của đạo Phật mà còn thể hiện sự phát triển của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử ở nước ta. Sự hiện diện của các tòa tháp Cửu phẩm liên hoa ở Việt Nam một lần nữa khẳng định nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao ở nước ta vào cuối thế kỷ 17, 18.
Nguồn: TCDL
Tháp Cửu phẩm Liên Đài
Không tìm thấy bình luận.