Đôi dòng cảm nhận về ca khúc "Xuân này con vắng nhà" Sưu tầm - ông Trần Bảo Hảo

Đôi dòng cảm nhận về ca khúc "Xuân này con vắng nhà"  Sưu tầm - ông Trần Bảo Hảo
Đôi dòng cảm nhận về ca khúc "Xuân này con vắng nhà"
 
Năm nào cũng vậy, khi tiếng chim hót vang trên đầu cành, đánh thức nụ tầm xuân hé nở, những nụ đào hồng, những cánh mai vàng đua nhau khoe sắc, dệt lên bức thảm màu thiên nhiên rực rỡ, bao dung, lay động lòng người, thì cũng là lúc người ta bắt đầu cảm nhận được những tiếng giao hòa của trời đất, đắm mình trong những giai điệu rộn ràng của mùa xuân, lồng lộng sắc xuân.
Bầu trời cao rộng hơn, mặt đất xanh hơn, với những chồi non lộc biếc hòa cùng sắc màu quần áo mới của đàn trẻ nhỏ, khiến người ta lại khắc khoải nhớ về những ngày xuân ấu thơ.
Đêm giao thừa ngày ấy, trời tối đen như mực, một ngọn đèn nhỏ leo lắt, cũng đủ để thắp sáng trên bàn thờ tổ tiên. Không khí xuân ngập tràn từng góc nhỏ.
Đã 17 năm rồi, một khoảng thời gian không dài so với một đời người, nhưng cũng đủ để thẩm thấu nhìn lại con đường đã đi qua. Những dòng sông, những cánh buồm, những nẻo đường ngập tràn hoa cỏ của ngày ấy, nay chỉ còn là những ký ức lúc mờ lúc ảo, nhưng lại tái hiện rõ khi mỗi độ xuân về.
Xuân là thế, thật diệu vợi và luôn bao dung, ngay cả khi đối với những kẻ tha hương, xuân cũng luôn từ bi độ lượng.
17 khoảng khắc mùa xuân, bao nhiêu mơ ước, xa rời tổ ấm ấy, thế rồi cũng thực hiện được ước mơ trên xứ người, bao nỗi nhớ thương, bao niềm mong đợi, và lại thêm một mùa xuân nữa vắng nhà, chắc hẳn mẹ buồn lắm ?
Hôm nay là những ngày đầu tiên của năm, từ mấy hôm trước, đi mua thêm cặp bánh trưng ở khu chợ quận 13, nơi tập trung đông đảo nhất người Việt tại Paris, mà lòng nặng trĩu nhớ mẹ quê xưa.
Từ khu nhà cao kế bên trung tâm thương mại, bất chợt nghe văng vẳng bên tai, giọng hát truyền cảm của Quang Lê, với giai điệu bất hủ "Xuân này con vắng nhà", khiến lòng thêm bồi hồi khắc khoải, nhất là khi biết mẹ ở quê nhà, vẫn còn đang vất vả vì phải lo cho cuộc sống nhật thường.
Sáng nay, gọi điện về cho mẹ, bất giác mẹ hỏi : "Con còn nhớ món dưa hành mẹ nén, ăn cùng với mắm rươi ngày nào không?", chợt nước mắt như chực trào.
Đã hơn 17 năm rồi kể từ khi xa mẹ, tôi không còn cơ hội để ăn lại món ấy nữa, nhưng làm sao có thể quên được món ăn khoái khẩu không thể thiếu trong mâm cỗ tất niên mẹ chuẩn bị cho anh em chúng tôi, vị chua hăng của dưa hành, quyện với mắm rươi đặc trưng, có lẽ chỉ tìm thấy ở vùng quê tôi mà thôi.
Tất cả đã tạo nên một hương vị có một không hai, đạt đến đỉnh điểm văn minh của ẩm thực ngày Tết, đơn sơ là thế, nghèo nàn là thế, ấy vậy mà cho dù có đi bất cứ nơi đâu, cho đến tận cùng trời cuối đất, dư vị ấy vẫn mãi không thể xóa nhòa trong tâm trí tôi.
Nuốt tất cả vào lòng để đáp lại lời mẹ hỏi: "con nhớ lắm mẹ". Tiếng mẹ ở đầu dây bên kia cũng nghèn nghẹn, tôi biết đằng sau tiếng thở dài ấy, là những giọt nước mắt nhớ thương của mẹ mỗi khi nghĩ về những ngày đầu xuân vắng bóng anh em tôi.
Tôi nhanh chóng phá tan bầu không khi nặng nề đó bằng cách kể cho mẹ nghe hàng loạt chuyện tết của người Việt mình nơi xứ người, cũng mai, cũng đào, cũng kẹo mứt, bánh trưng xanh, chẳng thiếu thứ gì. Mấy bữa nay ra chợ, không khí cũng náo nhiệt chẳng khác gì Việt Nam.
Quay trở lại với nhạc phẩm "Xuân này con không về" thì đó là một bài hát nổi tiếng do bộ ba nhạc sĩ Trịnh - Lâm – Ngân sáng tác trong khoảng thập niên 60, mở đầu cho một loạt các ca khúc viết về tâm trạng người lính trong mùa xuân.
Trịnh-Lâm-Ngân là nghệ danh ghép của 3 nhạc sĩ: "Trịnh" tức Trần Trịnh, "Lâm" tức Lâm Đệ, và "Ngân" tức Nhật Ngân. Có lẽ sự kết nối âm nhạc của bộ 3 nhạc sĩ này là một trong những hiện tượng âm nhạc kỳ thú và đặc biệt nhất của làng âm nhạc Việt Nam.
Trên thực tế, cả 3 ông đều có những sáng tác riêng, nhiều tác phẩm hay, rất thành công, và được người yêu nhạc mến mộ. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa 3 con người, với 3 trạng thái cảm xúc khác nhau, để đúc kết quy về một mối, cho ra đời môt "Xuân này con không về" thì quả là đã tạo ra cho ca khúc này một số phận rất riêng biệt.
Có lẽ cũng chính bởi thế, bên cạnh vô vàn những bản nhạc xuân vui nhộn, công chúng yêu nhạc vẫn lén tìm cho riêng mình một góc nhỏ, để ngồi lắng nghe "Xuân này con không về", một nhạc phẩm luôn được tôn vinh trong những dịp đầu xuân, không chỉ trong thời chiến chinh loạn lạc, mà ngay cả trong thời bình, nhất là khi người ta mượn nó để biểu thị những cảm xúc, diễn tả thay tâm trạng của những người con xa sứ, mỗi dịp Xuân về.
Toàn bài hát không hề có chữ "lính" nào, và chỉ khi đến khúc cuối, người nghe mới lờ mờ nhận ra đây là một bài hát viết cho lính, được lồng ghép vào một bức tranh xuân, với những hình ảnh hoàn toàn đối lập, của một bên là gia đình đoàn viên, bên bếp lửa hồng, trông nồi bánh trưng xanh, chờ trời sáng, với bên kia, là hình ảnh người lính đơn côi nơi chiến tuyến, vì cuộc chiến còn đó, bè bạn đồng đội còn đó, nên người lính không thể trở về với gia đình để hưởng cảnh ấm êm một mình, qua đó phần nào làm toát lên tính vô nghĩa của mọi cuộc chiến, và đó cũng là cách sử dụng những hình ảnh đối lập hết sức tài tình ý nhị của bộ 3 nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân, góp phần giảm nhẹ tính đau thương mà mọi cuộc chiến gây ra.
Một đặc điểm nổi bật nữa của "Xuân này con không về" mà không thể không nhắc tới, đó là bài hát này luôn gắn liền với tên tuổi của cố ca sĩ Duy Khánh. Ca nhạc sĩ Duy Khánh hát thành công "Xuân này con không về" đến mức có nhiều khi, người ta tưởng chính ông là tác giả.
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, từ khi mà ca khúc chỉ được biết đến qua các giọng hát kinh điển của làng nhạc Việt như : Duy Khánh, Elvis Phương, Duy Quang, Chế Linh, Tuấn Vũ…, rồi đến Mạnh Quỳnh, Phi Nhung, Trường Vũ… thì nay, đã có biết bao nhiêu những thế hệ ca sĩ trẻ hơn tìm cách tái hiện lại Xuân này con không về, ở những phiên bản khác nhau, với bản hòa âm phối khí âm thanh hiện đại hơn, dàn nhạc dầy hơn, sử dụng nhiều loại nhạc khí tham gia hơn so với thời chiến khi Duy Khánh ghi âm ca khúc, như trường hợp của thế hệ các ca sĩ Quang Lê, Đan Nguyên, hay gần đây hơn nữa là các ca sĩ trẻ trong nước như Thùy Chi, Anh Khang, cũng đã không ngừng tìm tòi, biến đổi và làm mới ca khúc, nhưng vẫn giữ được cái hồn, cái cảm xúc cốt lõi của "Xuân này con không về", và đó là điều minh chứng cho sự trường tồn của ca khúc.
Quả thực, có đi xa nhà mới biết không nơi nào bình yên hơn bằng chính con đường trở về ngôi của nhà tuổi thơ, khi nghe những hơi thở của mùa xuân đang đến gần, người lữ khách không thể không chạnh lòng nghĩ về quê mẹ, tuy nghèo mà đầm ấm và nhớ tới lời hẹn ước sẽ trở về một ngày đầu xuân.
Quay trở lại những hiệu ứng thành công xa hơn của nhạc phẩm "Xuân này con không về", gần đây nhất, lại một lần nữa, các trang mạng xã hội, và đặc biệt là trên kênh Youtube, người yêu nhạc lại có dịp sửng sốt xôn sao bàn tán, khi một chàng trai có Nick name Thaptoan87, tung lên mạng Youtube bản hòa âm nhạc phẩm "Xuân này con không về", qua những giai điệu vô cùng mượt mà, liêu trai của cây sáo trúc, thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người nghe.
Qua tìm hiểu, thì chàng trai đó là Giáp Văn Toàn, một kỹ sư quan trắc môi trường, đang công tác tại Hà Nội, mặc dù chỉ đến với cây sáo trúc bằng con đường tự học, mang tính amateur, tuy nhiên, nhạc bản "Xuân này con không về" do Giáp Văn Toàn độc tấu sáo trúc, thực sự đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm, chinh phục và hút hồn người nghe.
Và đó cũng là nhạc bản khép lại chuyên mục âm nhạc tuần này của đài phát thanh quốc tế Pháp RFI. Trước thềm năm mới Giáp Ngọ 2014, xin được gửi tới cha mẹ ngàn lời cám ơn, cám ơn cha mẹ đã dạy cho con biết yêu thương, yêu thương con người, yêu thương cuộc đời, đã cho con một tuổi thơ hạnh phúc. Con biết xuân này lại không về, nhưng nhất định con sẽ về, sẽ trở về mái ấm xưa. Dù có xa nửa vòng trái đất, nhưng con vẫn mong những lời nhắn gửi yêu thương này sẽ đến được với tất cả những người mà con thương yêu