Tư Liệu Tham khảo Khoa lễ, phong tục tập quán trong dân gian
Tuyển tập các bài văn cúng cổ truyền trong năm
Cách sắm đồ lễ và Mâm Ngũ quả ngày Tết
khấn vái
Mâm ngũ quả, mình không có kinh nghiệm gì đặc sắc. Chọn hoa quả thờ ngày Tết thì điều quan trọng là nên mua hoa quả chưa chín, nhất là chuối, phải là chuối còn xanh, có vậy nó mới giữ được "phong độ" trong suốt khoảng hai tuần ngự trên tủ, nếu không nó chín rụng, đen thui lại thì rất xấu.
Người, mâm ngũ quả có thể là : Mãng cầu, dừa xiêm, đu đủ, xoài xanh, một nhành sung, hoặc một thứ quả khác.
Người Bắc, mâm ngũ quả thường là : Phật Thủ ( hoặc Bưởi, nếu không có ), nải chuối xanh, cái "râu" ở đầu quả của chúng phải con nguyên, chưa rụng, hình như các cụ gọi là "đầu ruồi" gì ấy mà ) cam sành, hồng, quất. ( Mỗi gia đình đôi khi có thêm thắt một hai thứ quả khác nhau, nhưng cơ bản là phải có Bưởi hoặc Phật Thủ, chuối xanh và quất ).
Tí quên, cả quả "Trứng Gà", của cây "Trứng Gà", chứ không phải trứng của con gà đâu đấy nhé
Lễ cúng Giao Thừa, gồm có lễ ngoài trời và trong nhà.
Lễ cúng Giao Thừa ngoài trời : Đây là lễ cúng tiễn vị thần cựu vương hành khiển ( vị thần phụ trách việc coi sóc dân, cai quản hạ giới ) của năm cũ đi, và đón ông mới về . Nên chuẩn bị lễ sẵn trước phút Giao Thừa, đừng để qua giờ Giao Thừa mới bắt đầu bê mâm ra.
Sắm lễ cúng Giao Thừa ngoài trời :
- Gà trống tơ, luộc ( thời xưa còn dùng thủ lợn )
- Bánh Chưng
- Đèn nến
- Vàng mã
- Hoa tươi
- Trầu cau
- Rượu/ trà ( rượu trước, sau đến trà )
- Một chiếc mũ chuồn mua của hàng mã ( giống trong Tuồng Chèo ấy ), chính là mũ để cúng tế vị thần.
Lễ cúng Giao Thừa trong nhà : Là lễ cúng Thổ Công, thần Thổ Công là vị thần cai quản trong nhà. Lễ vật tương tự như cúng ngoài trời, chỉ bỏ mũ chuồn.
Các gia đình thường làm thêm cả món chè hoa cau, chè kho... cúng giao thừa.
Cơm tất niên ( chiều 30 Tết ), mình cho bạn cái danh sách một số món ăn cổ truyền mình ghi sẵn để đỡ mất công suy nghĩ nên nấu cái gì. Trong mỗi nhóm món ăn, bạn có thể chọn một món, chứ không phải là làm hết tất cả. Trong này mình bỏ món xào, vì nhà ít người, còn đúng ra chúng ta luôn có cả món xào trong ngày Tết, ví dụ xào Bóng ( bì lợn nướng giòn ) với hoa lơ, cà rốt, thịt bò xào...
Đồ nếp truyền thống :
- Bánh Chưng
- Xôi Gấc
- Chè kho
Các loại Giò :
- Giò lụa
- Giò xào giòn
Các món nộm, salad :
- Nộm Đu Đủ thịt bò
- Nộm rau câu
- Dưa Góp : su hào, cà rốt, dưa chuột... và củ hành muối.
Món Nguội :
- Gà luộc
- Bê tái chanh
- Bắp bò ướp ngũ vị hương, hấp chín
- Bắp bò ngâm mắm
Món chiên, rán :
- Mực ống nhồi tôm, thịt nướng mật ong
- Chả cá Tuyết Hoa
- Chả mực Tuyết Hoa
- Gà rán mật ong, lá chanh
- Nem
Món ninh, hầm :
- Chân Giò ninh măng
- Mọc nấu măng, mộc nhĩ
- Bông Nấm trắng làm từ đậu nành ninh măng, mộc nhĩ
Món nước :
- Miến gà - măng
- Bún sườn - măng
- Bún Thang
- Bún Tôm
- Hoặc một nồi lẩu Cá/ Nấm...
Cách luộc gà thì nhiều nhà làm na ná như nhau thôi.
Gà luộc cho cơm tất niên hơi khác với gà cúng Giao Thừa. Gà cúng Giao Thừa phải là gà trống non, cúng là chính.
Gà cho cơm tất niên ( cơm chiều ), thì mục đích là để xơi nữa, vì vậy nên chọn gà mái, con nào nhìn bụ bẫm kiểu đã đẻ trứng ( giống gái một con ở người ý )
Gà rửa sạch, để không còn tí tiết nào làm đục nước. Một củ gừng nướng, một củ hành nướng, đập dập, bỏ vào nồi nước luộc gà. Nước luộc gà phải là nước lạnh, nếu cho nước nóng sẵn, da gà bị nóng đột ngột sẽ co lại, dễ bị rách, nước ngập thân gà.
Ban đầu đun cho nồi nước sôi lên, nhưng không để lửa to để nó sôi sùng sục, tính sao cho khi nước sôi, nó sủi một cách nhẹ nhàng thôi, hớt bỏ bọt nếu có, luộc như thế chừng 7- 8'', nếu là gà non, cúng Giao Thừa, nếu là gà mái to, thì luộc lâu hơn một chút, có thể 10'' .
Tắt bếp, dậy vung để gà ngâm trong nước luộc thêm 5, phút ( nếu là bếp than ), còn là bếp ga, điện thì nên để lửa nhỏ tí xíu thay vì tắt bếp hoàn toàn và ngâm gà trong nồi. Bởi vì nếu là bếp than, thì người ta đặt nồi gà ra ngoài, không sôi nữa nhưng bên mép bếp nó vẫn giữ nhiệt đủ để gà âm ỉ chín, còn bếp điện và ga, khi mình tắt thì nó nguội hoàn toàn.
Lấy gà ra ngoài, muốn thịt gà giòn thì xả ngay vào nước thật lạnh, để ráo nước rồi bầy ra đĩa.
Khi chặt gà phải để gà thật nguội mới chặt, thì miếng gà mới gọn gàng, sắc nét, còn chặt khi nóng, vừa bị bắn, miếng thịt vừa nhũn, méo mó.
Mâm Ngũ quả ngày Tết
Ngày Tết, gia đình nào cũng có mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ tổ tiên, ông bà. Đây là một tục lệ đẹp đẽ đầy nét nhân văn.
Mâm ngũ quả thường bày trên một cái đĩa to hay cái mâm bằng gỗ tiện, sơn son, có chân, gọi là mâm bồng. Mâm ngũ quả có 5 loại, được tạo nên từ năm bản nguyên - gọi là “ngũ hành”: Kim - Mộc - Thuỷ - Hỏa - Thổ, nghĩa là 5 yếu tố cấu thành vũ trụ.
Còn theo quan niệm của dân gian thì trái cây được xem như biểu tượng cho thành quả lao động một năm. Ông cha ta chọn 5 loại trái cây để cúng đêm giao thừa với ngụ ý: Những sản vật này đựơc kết tinh từ công sức, mồ hôi, nước mắt của con người lao động, kính dâng lên đất trời, thần thánh trong giờ phút linh thiêng của vũ trụ vạn vật sinh tồn.
Ðã gọi là ngũ quả thì nhất thiết phải là 5 loại quả. Nhưng các vùng, các miền do mùa xuân hoa trái khác nhau, nên mâm ngũ quả cũng khác nhau như: chuối, bưởi, phật thủ, dưa hấu, cam, quýt, dừa, na, hồng xiêm, táo...
Mỗi quả mang một ý nghĩa: Chuối - phật thủ: như bàn tay che chở. Bưởi - dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn năm mới đầy ngọt ngào, may mắn. Hồng - quýt: rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt.
Một mâm ngũ quả được bày dưới cùng là một nải chuối to già còn xanh, nải chuối đều, hoặc 2 nải chuối nhỏ ghép bên nhau như một chiếc bệ cong gồm 2 tầng nâng đỡ hoàn toàn hoa trái khác. Ở đây có sự phối hợp màu sắc, mâm ngũ quả đẹp là đủ màu sắc rực rỡ. Chính giữa bệ mâm xanh sẫm, trước đây bày quả phật thủ.
Ngày nay ít trồng phật thủ nên thường thay bằng quả bưởi to, càng to càng đẹp. Bưởi chín vàng, tươi nổi bật trên bệ chuối màu xanh. Những quả chín đỏ đặt xung quanh, những chỗ khuyết dưới đặt xen kẽ quýt vàng và táo màu xanh ngọc, còn bao nhiêu lá xanh cố tình để sót lại ở cuống quả như hoàn thiện những nét trang trí cuối cùng.
Mâm ngũ quả đã làm quang cảnh ngày Tết và không gian cúng thêm phần ấm áp, rực rỡ mà hài hoà. Nó thể hiện sinh động ý tưởng triết lý - tín ngưỡng - thẩm mỹ ngày Tết.
Quang Võ biên tập