Tục thờ cúng tổ tiên ông bà
của người Việt Nam
Không hẳn chỉ có người Việt Nam mới có tục thờ cúng tổ tiên, như thờ Cửu Huyền Thất Tổ, thờ Tổ Cô. Có địa phương thờ cả Tổ Cô, Tổ Cậu vàTổ Tiên Linh. Thưở bình minh văn minh, tục thờ này hầu như có mặt ở từng góc cạnh của thế giới. Qua trường kỳ lịch sử nhân loại, tục thờ trải qua những biến đổi nhất định, ở cả nội dung và hình thức, cho đến nay vẫn tồn tại ở nơi này nơi khác, ở dạng này hay dạng khác.
Tuy nhiên, trên thế giới cũng chỉ có một số ít quốc gia, dân tộc có tục thờ cúng tổ tiên ông bà mà thôi. Tục có tục thờ cúng tổ tiên cũng là một nét độc đáo riêng, và cũng là một bản sắc Việt độc đáo trong đời sống tâm linh Việt.
Tục thờ cúng tổ tiên ông bà của người Việt Nam
Câu ca dao ngày nào vẫn được bọn trẻ ê a đánh vần trong những buổi học đầu đời. Biết bao thế hệ trôi qua và biết bao thế hệ lại đến, tất cả đều được dạy cách làm người, cách sống một cuộc sống trọn đạo với đạo đức gia đình, với truyền thống thờ tổ tiên.
“Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn”
Thời cuộc dẫu có thăng trầm dâu bể, bia đá dẫu có mòn, vật có thể đổi, sao có thể dời, truyền thống ấy vẫn tồn tại. (ảnh trên: Việc trang hoàng bàn thờ tùy thuộc điều kiện hoàn cảnh mỗi nhà nhưng dứt khoát nhà nào cũng phải bày mâm ngũ quả.)
Bất chợt có ai đó chợt hỏi rằng, người Việt Nam ta thờ tổ tiên ông bà tự khi nào, câu trả lời tất nhiên sẽ là “lâu rồi, lâu lắm rồi nên không nhớ nỗi”.
Thuở lập quốc, con cháu dòng dõi Lạc Long Quân – Âu Cơ đã gầy dựng nên truyền thống ấy, bao lớp sóng dâng rồi hạ, bao binh biến đi qua rồi hòa bình trở lại, truyền thống ấy vẫn ngày một đơm hoa kết trái, được Nguyễn Đình Chiểu khẳng định chắc nịch trong thơ Lục Vân Tiên:
“Thà đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ”
Người Việt Nam thường ngoài tôn giáo riêng của mình, còn thờ phụng tổ tiên, ông bà. Thờ tổ tiên là một nét đẹp văn hóa của người Việt. Bàn thờ tổ tiên là một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình, không kể giàu nghèo hay địa vị xã hội.
Tương tự như đạo Thờ Thần, không có tài liệu nào ghi chép rõ ràng về thời điểm phát xuất "đạo" thờ cúng Tổ tiên Ông bà ở Việt Nam. Có lẽ đạo thờ cúng Tổ tiên Ông bà bắt đầu phát triển cùng thời với đạo Thờ Thần ở Việt Nam vì tôn chỉ, nghi thức của hai "đạo" có rất nhiều điểm tương đồng.
Cây có gốc, nước có nguồn. Tổ tiên sinh ra ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra mình. Người con hiếu thảo phải biết ơn sinh thành. Đã có hiếu với cha mẹ thì phải có hiếu với ông bà – tức là nhớ đến nguồn gốc của mình. Lúc ông bà cha mẹ còn sống thì chăm lo phụng dưỡng, Khi ông bà cha mẹ chết rồi thì phải lo việc thờ phụng để tỏ lòng thành kính biết ơn.
Thật ra, ở Việt Nam, gọi là "đạo" thờ Ông Bà Tổ tiên; nhưng không đúng nghĩa là một "đạo" (cũng tương tự như đạo thờ Thần); bởi vì không có Giáo hội, giáo chủ, giáo sĩ, giáo điều... Đây chỉ là chuyện nội bộ gia đình, con cháu thôi.
Qua việc thờ phụng tổ tiên, người Việt Nam tin là khi chết thể xác tiêu tán nhưng linh hồn thì bất diệt; và người sống và người chết luôn luôn có một sự liên lạc mật thiết. Sự thờ phụng là một cách để giữ gìn mối liên lạc này.
Ông Bà thường được chôn cất gần nhà. Vong hồn Ông Bà được coi như vẫn còn đang sống quanh quẩn nơi bàn thờ.
Phong tục của Việt Nam cho là "Dương sao thì Âm vậy." Người sống cần gì, thì người chết sống ở "cõi Âm" cũng cần như vậy ! Nói cách khác người chết cũng cần ăn uống, tiêu pha, nhà cửa... như người sống (?).
Vì tin như vậy cho nên việc thờ phụng cúng lễ là chuyện cần thiết. Tục người Việt cũng tin rằng vong hồn người chết thường ngự trên bàn thờ để gần gũi với con cháu. Nguời ta sợ tội bất hiếu với vong hồn cha mẹ phải tủi hổ, cho nên người sống phải suy tính kỹ lưỡng, xem như lúc cha mẹ còn sống thì có chấp nhận dự tinh, công việc làm của mình hay không ?
Do đó con cái phải ăn ở, thờ phụng cho đứng đắn kẻo mang chữ bất hiếu. Như vậy vong hồn cha mẹ có ảnh hưởng tốt đến hành động và tư cách của con cái.
Những biến cố quan trọng của gia đình từ việc hiếu đến hỷ, gia trưởng phải có lễ cáo gia tiên để xin ông bà tổ tiên chứng giám, chia sẻ, phù hộ.
Tin vui thì có:
- Vợ đẻ – Con đầy tháng – Con cái bắt đầu đi học, đi thi, đỗ đạt – Gả chồng, dựng vợ cho con – Công danh thăng tiến (lên chức, đắc cử, lãnh thưởng...) – Khao vọng – Xây cất, mua nhà mới hay sửa chữa tu bổ nhà cũ – Cầu độ
Tin buồn thì có:
- Trong nhà có người qua đời – Có người đau ốm – Phải đi xa – Gặp chuyện không may (buôn bán thua lỗ, bị kiện cáo)...
Bàn thờ Tổ Tiên
Trong nhà, bàn thờ tổ tiên kê ngay ở chính giữa nhà. Nhà giàu thì đóng bàn thờ sơn son thếp vàng.
Ở vùng quê xa xôi, các gia đình nghèo không thể lập một bàn thờ qui củ để thờ đúng theo cổ tục thì họ chỉ đóng một cái trang trên tường hay thu xếp một cái tủ nhỏ làm bàn thờ để tiện việc cúng lễ.
Bàn thờ tổ tiên cũng được trang trí tùy theo mỗi gia đình.
Đại cương thì có bình hương, bài vị, đèn nến, mâm bồng (để bày hoa quả bánh trái)...
Nhà giàu sung túc sẽ bày thêm đỉnh đồng (bộ tam sự, ngũ sự, thất sự... – số lẻ chỉ về âm), bình sứ, bảo lộ (tám thứ binh khí của quân sĩ thời xưa), hoành phi, y môn (che ngăn cách bàn thờ với khoảng không gian bên ngòai), câu đối...
Ngày giỗ.
Là ngày kỷ niệm người chết đã qua đời – còn gọi là ngày kỵ nhật. Con cháu dù bận rộn cũng phải nhớ ngày này để cúng giỗ. Nhiều tôn giáo chỉ làm lễ kỷ niệm ngày chết, làm giỗ nhưng không "cúng" theo cổ tục thờ cúng tổ tiên.
Trong ngày giỗ, tùy hoàn cảnh, gia đình làm cỗ bàn to hay nhỏ mời thân bằng quyên thuộc tham dự. Nhiều khi cũng tùy sự liên hệ giữa người sống và người chết mà sẽ làm giỗ to hay nhỏ: cha mẹ, ông bà thì giỗ to; chú bác, cao tằng khảo, tỷ thì chỉ cúng đơn sơ.
Trong ngày giỗ còn phân biệt giỗ đầu (một năm sau khi người chết qua đời, hay Tiêu tường). Giỗ đầu, con cháu nhiều khi phải mặc lại đồ tang như chính ngày đưa đám. Nhà khá giả rước cả phường bát âm, phường kèn, mời chẳng những bà con mà lại cả khách xá nữa; hoặc giỗ sau (giỗ cuối, hết tang, còn gọi lả giỗ hết hay Đại tường)...
Hóa vàng
Hóa vàng có nghĩa là "nấu vàng," tức là đem đốt những đồ vàng mã, vàng giấy, tiền giấy.
Sau khi hóa vàng thì con cháu đổ một chén rượu cúng vào đám lửa, cốt để biến vàng mã trên dương gian thành đồ dùng thật dưới âm phủ! Sau khi hóa vàng thì xem như giỗ đã xong.
Với văn minh tiến bộ ngày nay người ta bỏ bớt việc đốt vàng mã tức là: áo quần, nhà cửa, xe cộ, tiền bạc bằng giấy; (có khi đốt cả hình người nữa ?!
Vì người Tầu cho rằng đốt hình người để dưới âm phủ Ông Bà có người hầu hạ ??)
Ngày giỗ Họ (giỗ Tổ của Họ), Nhà Thờ Tổ
Phần giỗ ở trên chỉ nói đến giỗ của từng cá nhân gia đình, nhiều gia đình hợp thành Ngành, nhiều Ngành hợp thành một Họ. Mỗi Họ có chung một Tổ. Ngày giỗ Tổ cũng gọi là ngày giỗ Họ. Mỗi Họ có khi còn xây riêng một nhà thờ Tổ để con cháu giỗ Tổ tại đây.
Ngày giỗ Họ là ngày duy nhất trong năm để cho cả họ họp mặt, nhận ra nhau. Trong dịp này những người cao niên sẽ kể các công trạng, sự nghiệp của ông tổ cho con cháu nghe.
Người trưởng tộc lo việc tổ chức giỗ Tổ. Các gia đình các ngành đều phải đóng góp công của. Người trưởng tộc cũng được hưởng hương hỏa của tổ tiên đế lại.
Hương Hỏa
Đất hương hỏa ông bà để lại là những phần đất dành để lấy hoa lợi lo việc cúng giỗ. Con cháu không được bán. Rủi có bị tịch biên, chủ nợ cũng không được lấy phần này.
Thường ruộng hương hỏa còn gọi là kỵ điền – là ruộng để giỗ. Đất này do tự người có giỗ lấy tài sản của mình mà đặt, hoặc có di chúc của tổ tiên dành cho con cháu...
Do ý thức hệ luân lý gia đình, phong tục Việt Nam đặt vấn đề đất hương hỏa rất quan trọng. Ngay cả pháp luật của các triều đại, các chế độ đều nhằm bảo vệ đất hương hỏa.
Tóm lại, nước Việt đã trải qua biết bao nhiêu cuộc hưng vong phế chuyển nhưng việc Thờ Cúng Ông Bà vẫn còn tồn tại. Người Việt đã theo nhiều tôn giáo ngoại nhập khác nhau nhưng cũng không bao giờ vì tôn giáo riêng của mình mà bỏ quên tổ tiên.
Tất cả các chuyện xảy ra cho gia đình trong đời sống hàng ngày Ông Bà Tổ tiên đều được nhớ đến, và khấn vái xin phù hộ.
Không nhất thiết phải là mâm cao cỗ đầy, chỉ cần thắp một nén hương lên bàn thờ tổ tiên trong ngày lễ, Tết, hay ngày giỗ, con cháu trong gia đình cũng thể hiện được tấm lòng thành kính, hướng về cội nguồn, tưởng nhớ những người thân đã khuất.
Từ lâu, thờ cúng tổ tiên ông bà đã trở thành một phong tục, là chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc làm người, đồng thời là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Dân Việt trọng lễ nghĩa, hiếu thảo với cha mẹ và có hiếu với ông bà tổ tiên, với nguồn gốc của mình.
Theo TS. Trần Lâm Biền, trước tiên bàn thờ là nơi tưởng nhớ, như một thế giới thu nhỏ của người đã khuất. Hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, hương là tinh tú.
Từ những đặc tính cơ bản này, người Việt đã hội dần vào bàn thờ nhiều hình tượng phụ mang tính thiêng liêng khác. Khi phát hiện ra lửa, người ta nhận thấy chỉ có khói bay lên và dần dần khói lửa đã đi vào hội lễ, từ đó nảy sinh nến và hương trong việc tín ngưỡng.
Trên bàn thờ tổ tiên, ở chính giữa đặt bát hương (tượng trưng cho tinh tú) và trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng (tượng trưng cho trục vũ trụ); ở hai góc ngoài bao giờ cũng có hai cây đèn (hoặc nến) tượng trưng cho mặt trời ở bên trái và mặt trăng ở bên phải.
Khi cần giao tiếp với tổ tiên (có lúc thỉnh cầu, có khi sám hối...) người ta thường đốt nến (đèn dầu) và thắp hương. Mọi nguyện cầu theo các vòng khói hương chuyển đến ông bà tổ tiên.
Đặc trưng của văn hóa nông nghiệp cũng được thể hiện ở trên bàn thờ tổ tiên của người Việt. Thông thường, ở ngay sau bát hương thường có một cái đỉnh ba chân, nắp đỉnh được vẽ hình con lân với ý nghĩa sức mạnh bề trên kiểm soát tinh thần con cháu khi đứng trước bàn thờ.
Bàn thờ tổ tiên luôn cần được thanh tịnh. Vì thế, đồ tế lễ chỉ có thể là hương, hoa, trà, quả... Những ngày giỗ, Tết, con cháu muốn dâng cúng cỗ mặn phải đặt ở một chiếc bàn phụ phía trước và thấp hơn bàn thờ chính.
Trong mỗi gia đình, bàn thờ cúng tổ tiên được đặt ở vị trí trang trọng nhất và trở thành nơi con cháu "trò chuyện" trong những ngày tuần, ngày giỗ, ngày Tết, hoặc khi có việc trọng đại... Có thể nói, mọi biến cố trong gia đình đều được gia chủ báo cáo với gia tiên. Việc hiện nay hầu hết các cặp cô dâu chú rể mới đều làm lễ vu quy hay nghinh hôn trước bàn thờ gia tiên cũng là một điểm rất độc đáo của văn hóa Việt Nam.
Tết là thời điểm quan trọng trong năm cho nên bàn thờ ngày Tết cũng trở nên đặc biệt. Việc trang hoàng bàn thờ tùy thuộc điều kiện hoàn cảnh mỗi nhà nhưng dứt khoát nhà nào cũng phải bày mâm ngũ quả.
Thông thường ngũ quả gồm 5 loại quả có 5 màu khác nhau như: chuối xanh, bưởi vàng, hồng đỏ, lê trắng, quýt da cam tượng trưng cho mong ước: Phú (giàu có) - quý (sang trọng) - thọ (sống lâu) - khang (khỏe mạnh) - ninh (bình yên).
Cành đào được cắm trên bàn thờ có huyền lực trừ ma tà và mọi xấu xa, màu đỏ chứa một sinh khí lớn lao. Vì thế hoa đào thắm là lời cầu nguyện và lời chúc phúc đầu xuân.
Cây mía được đặt ở bên bàn thờ với ngụ ý để các "cụ" chống gậy về vui với con cháu.
Bàn thờ tổ tiên là vẻ đẹp của văn hoá truyền thống. Nơi đây rực rỡ với mỗi độ xuân sang. Người Việt hiểu sâu sắc rằng có quá khứ mới có hiện tại và tương lai.
Còn thời điểm nào thiêng liêng hơn khi cả nhà thành kính đứng trước bàn thờ tổ tiên thắp những nén hương trầm ngào ngạt. Tình người nồng ấm, tình đời rộng mở. Và, một năm mới tràn đầy hy vọng bắt đầu...
Lễ hóa vàng tiễn Tổ tiên cúng sao cho đúng?
Theo truyền thống xưa, sau khi mời Tổ tiên về dự 3 ngày Tết với con cháu vào ngày 30 Tết (nếu tháng thiếu thì vào ngày 29 Tết), đến ngày mùng 3 Tết hoặc ngày khai hạ mồng bảy Tết, là ngày cuối cùng, tiệc xuân đã mãn, con cháu lại cáo lễ để tiễn đưa Tổ tiên trở về âm cảnh. (ảnh bên: Bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ)
Lễ này, tục gọi là “đưa ông bà”, lễ hóa vàng cho Tổ tiên, hay lễ tạ năm mới.
Theo GS sử học Lê Văn Lan, mùng 3 vẫn là ngày Tết thầy, nên để tổ tiên vẫn ở lại ăn Tết với con cháu. Mùng 4 và mùng 5 mới là ngày tiễn các cụ về cõi vĩnh hằng.
GS Lan cho biết, tục hoá vàng dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vật hoá vàng thường gắn với đời sống thường nhật, để thấy con người ở thế giới bên kia sống gần với dương gian. Tục này nhằm cung cấp cho người đã khuất tiền, quần áo (giấy), gậy đi đường (cây mía).
"Các cụ về trời chỉ cần ít quần áo, vật dụng đi đường cùng 5-10 nghìn đồng", ông Lan bày tỏ.
Theo một số chuyên gia văn hóa phương Đông, việc chọn ngày làm lễ hóa vàng tùy thuộc vào mỗi gia đình, chủ yếu từ mùng 3 đến khoảng mùng 10 Tết Nguyên đán. Điều quan trọng nhất là phải có lễ tạ gia tiên, gia thần và chư vị thánh thần, phật. Theo quan niệm dân gian, có lễ tạ thì tấm lòng của chủ nhà mới được người âm chứng giám.
Sau khi lễ, các gia chủ sẽ hóa vàng. Phần tiền, vàng của gia thần phải hóa trước, tiền vàng, đồ dùng của tổ tiên hóa sau. Tục xưa, tại nơi đốt vàng mã, người ta thường đặt vài cây mía dài. Dân gian cho rằng đây là đòn gánh để các linh hồn dùng làm gậy chống, hay mang hàng hóa.
Sắm lễ:
Lễ vật dâng cúng trong lễ tạ năm mới gồm: Nhang, hoa, ngũ quả, trầu cau, rượu, đèn nến, bánh kẹo, mâm lễ mặn hoặc chay cùng các món ăn ngày Tết đầy đủ, tinh khiết.
Văn khấn lễ tạ năm mới (lễ hóa vàng)
Nam mô A-di-đà Phật (3 lần)
Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương
Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ, Long Mạch, Táo Quân, chư vị tôn thần
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ. Chư vị Tôn thần
Con kính lạy Ngài Đương niên hành khiển, ngài Bản cảnh Thành Hoàng, các ngài Thổ địa, Táo quân, Long mạch Tôn thần.
Con kính lạy các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, nội ngoại tiên linh.
Hôm nay là ngày mùng 3 tháng giêng năm ……………....……
Chúng con là: ……………………………tuổi………………
Hiện cư ngụ tại ……………………………………………...
Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, phù tửu lễ nghi, cung bày trước án. Kính cẩn thưa trình: tiệc xuân đã mãn, Nguyên đán đã qua, nay xin thiêu hóa kim ngân, lễ tạ Tôn thần, rước tiễn âm linh trở về âm cảnh.
Kính xin lưu phúc, lưu ân, phù hộ độ trì dương cơ âm trạch, mọi chỗ tốt lành, con cháu được bách sự như ý, vạn sự bình an, tài lộc song toàn, gia đạo hưng vượng.
Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.
Nam mô A-di-đà Phật (3 lần)
Cúng gia tiên nên dâng lễ mặn hay chay?
“...Trong mâm cúng lễ gia tiên, tốt nhất nên dùng những đồ ăn chay, thanh tịnh”, nhà nghiên cứu Vũ Thế Khanh chia sẻ.
Phong tục thờ cúng tổ tiên là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt, đã được hình thành từ rất lâu đời.
Phong tục ấy không chỉ thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" mà còn mang giá trị giáo dục sâu sắc cho các thế hệ. Việc cùng nhau bày tỏ lòng thành kính trước tổ tiên, các thành viên trong gia đình càng thắt chặt thêm sợi dây huyết thống.
Tuy nhiên, sau nhiều năm nghiên cứu, Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ UIA, gọi tắt là UIA, lại có một góc nhìn khác khi cho rằng từ bấy lâu nay người ta vẫn chưa hiểu hết về phong tục tốt đẹp này.
Phong tục bắt nguồn từ nỗi lòng muốn báo hiếu tổ tiên
Tiến sĩ Khanh cho biết, để làm rõ hơn về phong tục cúng tổ tiên, bạn đọc trước tiên cần biết về khái niệm “thần thức”. Qua 20 năm nghiên cứu với hàng vạn ca khảo nghiệm, UIA cho rằng khả năng ngoại cảm của con người là có thật.
Nói cách khác, những người tham gia nghiên cứu Chương trình khảo nghiệm cho rằng người ta khi chết đi thì vẫn còn lưu lại phần "thần thức". Điều này trùng hợp với quan điểm của đạo Phật về thuyết luân hồi, cho rằng con người phải trải qua nhiều kiếp trước khi đến với miền cực lạc.
“Và với phong tục đẹp đẽ thờ cúng tổ tiên, dù vô tình hay hữu ý, chúng ta đều đã chấp nhận phần "thần thức" ấy song hành trong thế giới đương đại. Dựa trên những cơ sở này, Chương trình khảo nghiệm đã phát triển thêm một hướng mới.
Qua hàng trăm ca giao lưu điển hình, những người nghiên cứu đi sâu tìm hiểu nhu cầu, ước muốn của phần "thần thức" và đặc biệt trong phong tục cúng lễ, đã có những phát hiện rất lý thú”, tiến sĩ Khanh nói.
Theo nhà nghiên cứu này: “Con người ta sinh ra, ai mà không có ông bà cha mẹ, cao hơn nữa là tổ tiên dòng tộc.
Kể từ 9 tháng 10 ngày hoài thai đến khi ra đời rồi được nuôi nấng lớn khôn, con cái đã được các bậc sinh thành dành cho biết bao là yêu thương, công sức.
Gia tiên tiền tổ nuôi dưỡng cháu con nhưng không bao giờ quá cần thiết sự đền đáp trở lại.
Vậy trong đời này, với công ơn sinh thành dưỡng dục, phận làm con cháu biết trả thế nào cho đủ? Cho đến khi các đấng sinh thành khuất núi, nhiều con cháu vẫn trăn trở vì chưa thỏa được nỗi lòng muốn báo hiếu mẹ cha. Và phong tục cúng lễ chính là sự tiếp nối ước vọng ấy dâng lên tiên tổ”.
Những người nghiên cứu trong Chương trình khảo nghiệm đã đưa ra khái niệm rằng với phần "thần thức" của gia tiên, cần phải đền đáp bằng cách "vay cá trả cần câu": Cha mẹ cho con cái sinh mệnh, nhưng con cái không thể dùng sinh mệnh để hoàn trả được. Như thế, vay cá nhưng không thể trả bằng cá. Vả lại “vay cá trả cá” là lẽ thường tình. Vay cá và trả lại bằng cần câu, mới là cách đền đáp công ơn trọn tâm vẹn ý. Họ thống nhất rằng cúng lễ bằng phương pháp “cúng tâm linh” chính là “chiếc cần câu” để phần “thần thức” của gia tiên tiền tổ tìm về được miền cực lạc.
Cúng đồ mặn hay đồ chay?
Nhiều năm nghiên cứu về vấn đề này, ông Khanh cho rằng mình đã có những trải nghiệm lạ.
Vị tiến sỹ này chia sẻ rằng qua hàng vạn ca khảo nghiệm, ông đã rất ngạc nhiên khi phát hiện có tới 80% đối tượng tội phạm có xuất thân từ những gia đình có nguồn gốc làm nghề bất lương.
Có thể ví dụ như buôn bán ma túy, hành nghề cờ bạc hoặc làm giàu trên thân xác phụ nữ.
Theo ông, ở những gia đình đó, phần “thần thức” của gia tiên luôn bị ảnh hưởng bởi môi trường không lành mạnh, dù có cúng bái bằng mâm cao cỗ đầy đến đâu, cũng không thể siêu thoát.
“Âm không siêu thì dương không thái”, vì thế trước hay sau, những gia đình đó cũng gặp những tai họa khó lường.
Tiếp theo nhận định đó, ông Khanh cho rằng phong tục thờ cúng tổ tiên trong nhiều gia đình hiện nay chưa thực sự đúng cách. Qua tiếp xúc với nhiều gia đình, những người nghiên cứu trong chương trình này nhận thấy mâm cúng có nhiều đồ rượu, thịt sẽ khiến phần “thần thức” trở nên “nghiện” các thứ đó.
"Cần giải thích thêm rằng “thần thức” khi mới hình thành thường rất non yếu, không có khả năng tự chủ.
Lúc ấy, nếu các gia đình dùng những đồ cúng có nguồn gốc tanh hôi, sẽ vô tình làm cho “thần thức” của gia tiên rời xa khỏi sự thanh tịnh”, ông Khanh nói.
Ông Khanh lấy ví dụ ở những đám cúng giỗ lớn, rượu thịt ê hề nhưng vẫn hay xảy ra va chạm, cự cãi, thậm chí có thể đâm chém nhau.
Là bởi đám cúng giỗ đó sẽ quy tụ các phần “thần thức” ưa thích tanh hôi, có “tác dụng ngược”, gây nên sự nóng nảy vô cớ, thiếu kiềm chế của những người tham gia bàn tiệc.
“Vậy nên trong mâm cúng lễ gia tiên, tốt nhất nên dùng những đồ ăn chay, thanh tịnh”, nhà nghiên cứu này nói.
Ông Khanh diễn giải việc đó gọi là “phạm thực” chuyển thành “hỷ thực”. Nên thay thế những đồ ăn tanh hôi bằng đồ chay và một không khí thanh tịnh.
Ví dụ như khi ta đang đói bụng, nếu nghe được một tin rất vui, cảm giác đói trước đó có thể dễ dàng tan biến. Phần “thần thức” cũng như vậy. Làm quen với môi trường thanh tịnh, được kính ngưỡng bằng những đồ “hỷ thực”, chính là cách tiếp thêm năng lượng tinh thần, để phần “thần thức” vượt lên một bậc mới.
Nhưng đồ cúng lễ thanh tịnh thôi chưa đủ. Những người nghiên cứu trong chương trình này đề cao nhất cách thức dùng phương pháp nhà Phật để kính ngưỡng gia tiên. Cùng với kinh chú tốt lành, con cháu tham gia cúng lễ phải thật sự chay tịnh, thả tâm hồn rời bỏ “tham, sân, si”, chỉ một lòng hướng về gia tiên tiền tổ.
Nhiều cuộc khảo nghiệm đã chỉ ra rằng phần “thần thức” chỉ thực sự hoan hỷ với những người thành tâm cúng lễ là con hiền, dâu thảo, cháu ngoan.
Trải qua nhiều lần được tắm mình trong “hỷ thực” và môi trường thanh tịnh như thế, phần “thần thức” của gia tiên sẽ dần được nâng về miền cực lạc. “Trong niềm kính ngưỡng với gia tiên, việc cúng lễ một cách đúng đắn, chính là cách để đền đáp công ơn trời biển của các đấng sinh thành”, ông Khanh kết luận