Những bức ảnh Thành Nam ( Nam Định ) Xưa Cũ - sưu tầm

Phố cổ Thành Nam

Nói về phố cổ, cần thống nhất thế nào là phố cổ? Có người cho rằng vật thể do con người sinh ra trải qua 100 năm thì được gọi là cổ. Nhưng với địa danh là các phố của thành Nam, thì việc định mốc thời gian theo lịch sử để xác định phố cổ là rất cần thiết; Từ đó mà xác định tên và vị trí của từng phố cổ.     Kỷ niệm bẩy trăm năm Thiên Trường Nam Định nghĩa là thành phố Nam Định có nguồn gốc từ 750 năm trước, với sự kiện vào năm Thiên Long thứ 5(1262) Nhâm Tuất, tháng hai vua Trần Thánh Tông đã đổi hương Tức Mặc (quê hương của nhà Trần) làm phủ Thiên Trường, đặt quan đứng đầu phủ (An phủ sứ) Trần Thì Kiến, lập Hành đô Thiên Trường, xây các cung Trùng Quang và Trùng Hoa. Nay đất Hành đô Tức Mặc xưa thuộc phường Lộc Vượng, một trong 20 phường của thành phố là điều không cần phải bàn nhiều về nguồn gốc thành phố. Vậy là đi đến thống nhất: các phố có trước ngày Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định lập thành phố (17/10/1921) đều là phố cổ.

        Nhà Trần suy vong, tại phủ Thiên Trường nhiều người thuộc dòng họ Trần phải thay tên, đổi họ, phiêu tán đi khắp nơi, sở lỵ hành chính của Hành đô Thiên Trường cũng chẳng còn, cung điện đền đài thành hoang phế. Nhưng dân chúng ở quanh khu vực này vẫn có cuộc sống khá sôi động. Đến nhà Lê trị vì, thì kho lương bên dòng sông Vị đã trở thành quân doanh Vị Hoàng. Doanh Vị Hoàng chẳng những là kho lương thảo và còn là một doanh trại lớn. Sang thời Mạc nhiều lần và thường xuyên quân nhà Mạc (Bắc Triều) tập trung tại đây để chuẩn bị cho mỗi khi tiến quân đánh nhà Lê Trung Hưng phục dựng ở Thanh Hoá (Nam Triều). Nhà Mạc thất thế chạy lên biên giới Cao Bằng, thì quân doanh Vị Hoàng lại là nơi triều đình Lê - Trịnh (Đằng Ngoài) tập trung lương thảo, vũ khí, chiến thuyền, quân lính cho những lần hành quân chinh phạt chúa Nguyễn (Đằng Trong). Cho nên thành Nam đã vượt lên trên “Phố Hiến” là chốn đô hội chỉ sau có kinh thành Thăng Long.

        Vua Gia Long lên ngôi, chuyển lỵ sở của trấn Sơn Nam Hạ từ Vân Sàng về Vị Hoàng, cho dời quân doanh từ đất làng Vị Hoàng vào đất làng Năng Tĩnh, đến vua Minh Mạng cho xây thành gạch. Dân chúng làm ăn sinh sống quanh thành Vị Hoàng có từ thời Lê ngày một thêm đông. Đời sống thị dân quanh thành Nam Định ngày một sung túc. Nhiều người làm nghề thủ công và buôn bán đến đây lập nghiệp, họ lập ra các phường nghề. Một số từ Thăng Long di xuống, một số từ các làng nghề ở các miền quê khác tập trung đến sống quanh thành. Trên bờ sông Vị, những người buôn bán một mặt hàng thường dựng nhà sát bên nhau thành một dẫy để cùng buôn bán. Nơi bán mặt hàng nào thì được gọi là phố hàng ấy. Thế là các phố ven bờ sông Vị có trước. Ở phía đông trên bờ sông Vị dân thôn Thi Thượng làng Vị Hoàng lập ra dãy phố ở ven sông cho người buôn bè: luồng, nứa, tre, đan cót, bồ, sọt, thúng… đặt thành phố Hàng Cót, rồi Hàng Nâu (củ nâu nhuộm vải). Người Bát Tràng Gia Lâm đưa hàng xuống bán thì lập Hàng Bát, các phố tiếp theo là Hàng Mâm (mâm gỗ, chòng tre), Hàng Song (song, mây, lá gồi), cuối TK19 các phố này có tên chung là phố Vinh Thuận, sau khi Pháp chiếm thành đặt là Protectorat (nay là phố Minh Khai). Tiếp đến Hàng Sắt Trên, Pháp gọi là Rue du Fer, còn phố Hàng Sắt Dưới (phố Đỗ Xá), đặt là Poterie. Phố này đa phần là người Hoa chạy giặc đến sinh sống từ thời Lê (họ lập thành làng Minh Hương). Đoạn cuối sông Vị xưa là bến thuyền của vua nhà Trần thì được gọi là phố Bến Ngự, Pháp đặt là Avenue Piqueaux de Bechaine, sau khi lấp sông Vị lập ra kho hàng Hòn Gai thì gọi là phố Hòn Gai (nay là phố Bến Ngự).

        Nhu cầu hàng hoá của thị dân và cả vùng hạ lưu sông Hồng ngày càng nhiều nên có nhiều phường thợ thủ công từ các nơi di đến, sản xuất ra nhiều mặt hàng phục vụ cho đời sống. Chợ là nơi tiêu thụ tập trung nhiều hàng hoá, chợ ven sông  là chợ Vị Hoàng, chợ Đò Chè, rồi chợ Của Trường. Chợ to, đông vui nhất là chợ Rồng, vì thế trên những con đường từ bờ sông vào chợ đã thành nơi sinh sống và sản xuất của các gia đình làm nghề thủ công. Từ chợ Rồng (chợ Rồng xưa) ra bờ sông Vị là các phố Hàng Nón, Hàng Khay, Hàng Quỳ, Hàng Tiện (nay là Hàng Tiện), rồi đến Hàng Cấp (dệt các loại vải), Pháp đặt tên đường phố này là Henri Rivière. Ra bờ sông Vị còn một đường phố gồm: Hàng Đường và Hàng Đồng hai phố này Pháp dịch là Rue du Cuivre nay là Hàng Đồng. Chợ Rồng lên phía bắc có phố Hàng Mắm, Hàng Gà, về sau hai phố này gọi là phố Móng Cáy (nay Lý Thường Kiệt). Từ bờ sông vào chân tường thành có một dẫy phố chạy song song với Hàng Đồng gồm: Hàng Thùng, Hàng Giấy, Hàng Mành, Hàng Cầm (nay là Bắc Ninh). Về phía nam thành phố, trên bờ sông có các phố bến thuyền như: Bến Củi, Pháp đặt là Rue Champeaux (nay là Ngô Quyền), Bến Gỗ, Pháp đặt là Rue Etat-Unis (nay là Phan Chu Trinh), phố Bến Thóc, Pháp đặt Hacrnamd. Lùi vào phía trong là phố Hàng Nồi, Pháp đặt là Rue de Paris (nay Nguyễn Thiện Thuật). Song song với bờ sông Đào là phố Hàng Sũ, Hàng Ghế Pháp đặt là Cerculis, (nay là phố Phan Đình Phùng) và phố Hàng Thao Pháp đặt là Đồng Khánh (nay là phố Hàng Thao).

        Từ trong thành đi ra sông Vị là phố Cửa Đông, Pháp đặt là Rue de Carreau (nay là đoạn đầu từ ngã tư Trần Hưng Đạo đến gốc đa Hàng Sắt phố Lê Hồng Phong). Từ cửa Nam ra sông Đào gọi là phố Cửa Nam, Pháp đặt là Richaud (nay: Tô Hiệu), cổng phía bắc thành có phố Cửa Bắc (nay là Thành Chung). Thành Nam có cửa tây, nhưng không có phố Cửa Tây do ở phía này không có sông để vận chuyển hàng hoá (thời ấy giao thông đường thủy là chủ yếu). Về sau phía tây thành cũng không phát triển bởi tư bản Pháp đã chiếm vùng đất phía tây (Năng Tĩnh) để xây nhà máy Sợi.

Con đường nối các phố với nhau chạy theo hướng bắc nam từ chợ Rồng xuống sông Đào gồm: Hàng Màn (Vải màn), Hàng Rượu, Hàng Thiếc, Hàng Đàn, Pháp đặt là Rue France (nay thuộc Hai Bà Trưng) và Hàng Cau đặt là Jules Ferry. Song song với dãy phố này còn một dẫy phố nữa gồm: Hàng Mã, Hàng Mũ (năm 1921 Pháp đặt là phố Hà Nội), tiếp đến Hàng Giấy, Phố Khách, Hàng Lọng, Hàng Dầu, Pháp đặttên cho các phố này là Maréschal Foch (nay thuộc phố Hoàng Văn Thụ).

        Các phường buôn, phường nghề ở với nhau trong cùng một dẫy lập đền thờ tổ nghề, hay đình thờ thành hoàng bản quán (quê gốc), đây còn là nơi hội họp của phường hội. Phần lớn đền thờ tổ nghề nằm trong phố nghề. Những người làm nghề dệt (Hàng Cấp) từ Thăng Long xuống thì lập đền Voi Phục thờ thần Bạch Mã, đình Hàng Cấp (nay là trụ sở UBND phường Vị Hoàng). Các phố như: Hàng Bát, Hàng Tiện, Hàng Quỳ, Hàng Thiếc, Hàng Giấy, Hàng Đồng, Hàng Giầy, Hàng Nồi… đều có đền của phố nghề (phường nghề)… Nhưng cũng có những đền như đền Hàng Bạc, đền Hàng Thêu, thực ra lại không có phố Hàng Bạc, Hàng Thêu riêng, bởi người làm nghề kim hoàn, buôn bán vàng bạc ở chung trong phố Hàng Rượu, nên đền Hàng Bạc dựng ở phố Hàng Rượu. Người làm nghề thêu tập trung ở đoạn đầu phố Hàng Thiếc và Cửa Đông nên đền Hàng Thêu được những người thợ thêu chung sức mua đất tại phố Cửa Đông dựng đền Hàng Thêu.

Tóm lại các phố cổ thành Nam là các phố nằm ở phía đông và phía nam thành. Phần lớn phố cổ thành Nam mang tên của mặt hàng dân phố ấy buôn bán và sản xuất. Chỉ có một số phố cổ ở ven sông Đào mang tên bến thuyền chuyên chở hàng hoá, có 3 phố mang tên của cửa thành trong bốn cửa thành như đã thống kê ở trên. Còn lại các phố như: Trần Hưng Đạo (Paul Ber), Phạm Hồng Thái (Rue Duval de Ste Claire), Trần Quốc Toản (Avenue Brière L Isle), Trần Phú (Avenue Clémenceau), Hà Huy Tập (Rue de L Hopital), Hoàng Hoa Thám (Boulevard Galliéni), Máy Tơ (Rue Francis Garnier)… là các phố do Pháp lập ra sau khi bạt thành lấp hào đặt tên theo Pháp ngữ (lấy tên danh nhân, quốc gia hay địa danh), những phố này chúng tôi không kê biên là phố cổ. Một số phố cổ đã bị dịch sang Pháp ngữ như: Hàng Đồng thành Cuivre, Hàng Sắt thành Rue du Fer, hay đặt tên Pháp ngữ như: Hàng Nồi thành Rue Pari, Hàng Cau thành Jules Ferry… Như vậy thành Nam có 35 phố cổ gọi theo mặt hàng sản xuất, buôn bán, 4 phố gọi theo bến sông, 1 phố gọi tên Bờ Sông (Comession Lamothe), 3 phố gọi theo cửa thành cùng với phố Cửa Trường (Pháp đặt tên là Formose), ngõ cổ Văn Nhân (dịch là: Ruelle des Lettrés) và Hàng Kẹo thành 45 phố cổ. Kỷ niệm 750 (1262-2012) Thien Trương – Nam Định thành phố đã lên tới 212 đường phố

                                                                                                     Th.sĩ Hoàng Dương Chương

 PHỤ LỤC

Nam Định có 35/38 phố Hàng, 4 phố Bến , 4 phố Cửa (phố cổ) trong các phố trước CM

Về các phố cổ xưa dân phố buôn bán, sản xuất  mặt hàng gì thì phố mang tên mặt hàng đó. Trên một đường phố dài có thể có nhiều Phố Hàng... Ở đây không sắp xếp tên các phố hàng theo vần chữ cái, mà theo từng đường phố để tiện theo dõi.

  Tên các phố theo mặt hàng buôn bán

1. Hàng Cót       (nay thuộc phố Vị Xuyên)

2. Hàng Nâu.     (nay thuộc Minh Khai)

3. Hàng Bát        (nay thuộc Minh Khai)

4. Hàng Mâm     (nay thuộc Minh Khai)

5. Hàng Song       (nay thuộc Minh Khai)

6. Hàng Kẹo        (phố chợ Diêm Hồng)

7. Hàng Sắt          (nay là Hàng Sắt) 

8.   Hàng Cấp       (nay là Hàng Cấp) 

9.   Hàng Tiện      (nay là Hàng Tiện)  

10. Hàng Quỳ       (nay thuộc Hàng Tiện)

11. Hàng Khay     (nay thuộc Hàng Tiện)

12. Hàng Nón       (nay thuộc Hàng Tiện)

13. Hàng Đồng     (nay là Hàng Đồng)

14. Hàng Đường  (nay thuộc Hàng Đồng)

15. Hàng Màn     (nay thuộcHai Bà Trưng)

16. Hàng Rượu   (nay thuộc Hai Bà Trưng)

17. Hàng Thêu    (nay thuộc Hai Bà Trưng)

18. Hàng Thiếc   (nay thuộc Hai Bà Trưng)

19. Hàng Đàn      (nay thuộc Hai Bà Trưng)

20. Hàng Thùng   (nay là Bắc Ninh)

21. Hàng Giầy      (nay là Bắc Ninh)

22. Hàng Mành    (nay là Bắc Ninh)

23. Hàng Cầm      (nay là Bắc Ninh)

24. Hàng Ghế     (nay là Phan Đình Phùng)

25. Hàng Sũ     (nay là Phan Đình Phùng)

26. Hàng Mã   (nay thuộc Hoàng Văn Thụ)

27. Hàng Mũ.  (nay thuộc Hoàng Văn Thụ)

28. Hàng Giấy  (nay thuộc Hoàng Văn Thụ)

29. Hàng Dầu  (nay thuộc Hoàng Văn Thụ)

30. Hàng Thao.  (nay là Hàng Thao)

31. Hàng Nồi  (nay là Nguyễn ThiệnThuật)

32. Hàng Cau     (nay là Hàng Cau )

33. Hàng Bột      (nay là ngõ Hoàng Ngân)

34. Hàng Mắm - Móng Cáy (Lý Thường Kiệt)

35. Hàng Gà      (nhập vào phố Móng Káy)

Các phố Hàng  nằm xen kẽ trong phố khác

36. Hàng Lọng   (nay ở Hoàng Văn Thụ)

37Hàng Trống (nay ở Lê Hồng Phong 

38. Hàng Bạc     (xen kẽ ở  với Hàng Rượu)

4. Phố Bến ven bờ sông Đào

1/ 39. Bến Thóc  Harmand      (nay là Bến Thóc)

2/ 40. Bến Củi    Champeaux  (nay là Ngô Quyền)

3/ 41. Bến Gỗ    Etats-Unis  (nay là Phan Chu Trinh)

4/ 42. Bến Ngự  Piqueaux de Behaine (nay Bến Ngự)

43. Bờ Sông  Quai Lamothe (nay là Trần Nhân Tông

Phố từ các cửa thành Nam đi ra

44. Cửa Đông     (nay là Lê Hồng Phong)

45. Cửa Nam      (nay là Tô Hiệu)

46. Cửa Bắc        (nay là Thành Chung)

47. Cửa Trường (nay là Cửa Trường)

48. Ngõ cổ Văn Nhân   (nay: ngõ Văn Nhân)

*   *

Từ sau khi lập chính phủ Đông Dương 1890 người Pháp ở Nam Định tách lãnh thổ hành chính thành phố Nam Định ra khỏi huyện Mỹ Lộc. Tổ chức thành 12 phố rồi đặt lại tên các đường phố.

1921 lập thành phố quy hoạch thành 10 khu phố với bốn chục phố theo hướng :

1. Đặt tên mới cho phố cũ

(như: Hàng Tiện, Hàng Cấp là: H.Rivière, Bến Thóc

là Harmand    v.v.…………..

 2. Dịch sang Pháp ngữ một số tên phố cổ

(như Hàng Đồng, Hàng Đường là Rue du Cuivre         

 Văn Nhân thành  Ruelle des Lettrés)  v.v..

 3 . Lập thêm phố mới sau khi bạt thành lấp hào  

như: - Avenue Clémenceau  (nay Trần Phú)

         - Boulevard Galliéni (nay:Hoàng Hoa Thám)

         - Rue Francis Garnier  (nay: Máy Tơ )

         - Avenue Brière L lsle (nay: Trần Quốc Toản)

         - Boulevard Paul Berd (nay:Trần Hưng Đạo)

 

Một số hình ảnh Thành Nam  ngày xưa :


Cổng Thành Nam xưa.


Cột cờ.

Thương nhớ phố cổ Thành Nam…

Phố Cổ

Phố Cổ

Khu phố cổ

Ga Nam Định


Cảnh bến Đò Quan xưa.

Bên Hông Nhà Thờ Chính Tòa